-
- Tổng tiền thanh toán:
5 nguyên tắc tư duy phổ biến của người thành công
Những nhà quản lý giỏi nhất có thể đem tới những quan điểm rất khác biệt về nơi làm việc, công ty, và “thổi bùng” lên động lực làm việc của cả nhóm. Nhưng làm thế nào để biết đâu là người giỏi làm chủ, có tài lãnh đạo?
Tác giả: Vivlio Books Store Ngày đăng: 27/08/2023
Giữa 1 người bình thường và 1 người giỏi làm chủ, có kỹ năng lãnh đạo, sự khác biệt là rất lớn.
Những nhà quản lý giỏi nhất có thể đem tới những quan điểm rất khác biệt về nơi làm việc, công ty, và “thổi bùng” lên động lực làm việc của cả nhóm. Nhưng làm thế nào để biết đâu là người giỏi làm chủ, có tài lãnh đạo?
Thông thường, hầu hết những CEO tài giỏi và thành công nhất thường có chung 5 suy nghĩ cốt lõi sau đây:
1. Động lực xuất phát từ tầm nhìn, không phải từ sợ hãi
Lãnh đạo tầm thường dùng những cách hăm dọa như sa thải, nhạo báng hoặc phạt tiền, trừ lương mỗi khi nhân viên làm sai, hoặc không nhận được kết qura như mong đợi. Kết quả, nhân viên sợ hãi đến nỗi bị tê liệt về cảm xúc và tư duy, không thể tự ra quyết định khi cần thiết để tránh mắc những sai lầm không đáng có.
Ngược lại, lãnh đạo xuất chúng cho nhân viên thấy được những điều tốt đẹp có thể đến trong tương lai. Đồng thời, mỗi nhân viên đều có thể trở thành một phần của những điều tốt đẹp đó. Nhờ đó, nhân viên mới có động lực làm việc chăm chỉ hơn, bởi vì họ có niềm tin vào mục tiêu của tổ chức, thật sự yêu thích những gì mình làm và sẵn lòng cống hiến vì mục tiêu chung.
Từ cách ứng xử khác biệt này, có thể thấy, một nhà lãnh đạo bình thường cho rằng tiền bạc là điểm yếu đối với nhân viên nên thường dùng tiền để phạt mỗi khi cấp dưới làm sai. Ngược lại, những người lãnh đạo xuất chúng coi việc phạt cấp dưới là vô ích, vì cấp dưới không phải là máy móc. Nhất là với những người tài giỏi, có thâm niên, việc trách phạt bằng tiền bạc có thể khiến họ nảy sinh tâm lý chống đối, phản kháng.
2. Sẵn sàng cải cách
Dân chủ thực chất là lắng nghe ý kiến của số đông, chứ không phải chỉ tiếp nhận những điều muốn nghe và phản bác những ý kiến trái chiều. Do đó, một người sếp phải có năng lực lắng nghe và không ngại thay đổi, bởi cải cách đồng nghĩa với phát triển chứ không phải nỗi đau.
Lãnh đạo tầm thường rất ngại cải cách vì nó quá phức tạp và nguy hiểm. Họ chỉ thay đổi khi bị buộc vào đường cùng, chẳng hạn như lúc công ty đang gặp khó khăn. Họ luôn trì hoãn việc thực hiện… cho đến khi quá muộn.
Một người sếp xuất chúng hiểu rằng cải cách và thay đổi là điều thiết yếu phải xảy ra nếu muốn nâng cấp để đạt hiệu suất công việc. Họ không thay đổi theo ý thích chủ quan mà ý thức rằng, thành công chỉ đến khi nhân viên và công ty biết đón nhận những ý tưởng kinh doanh mới mẻ.
3. Hiểu rằng người có năng lực là người dám phản bác, đôi khi không hề “ngoan ngoãn”
Nếu một nhân viên quá nghe lời thì thực chất họ là người không có chủ kiến, thiếu bản lĩnh để chịu trách nhiệm trọng đại. Chỉ những người có năng lực thật sự mới dám đứng ra nêu ý kiến cá nhân, hoặc phản bác ý kiến của lãnh đạo. Họ hoàn toàn không sợ bị đuổi việc, bởi họ biết rằng với năng lực của bản thân, họ hoàn toàn có thể kiếm được công việc khác.
Lãnh đạo tầm thường dễ phạm sai lầm khi luôn coi nhân viên là những người kém cỏi hơn mình. Vì thế, họ không thể nào tin tưởng giao việc nếu như không trực tiếp giám sát.
Lãnh đạo xuất chúng đối xử với từng nhân viên như thể họ là những nhân vật quan trọng nhất trong công ty. Mỗi nhân viên, từ người bốc hàng đến quản lý cấp cao, đều được mong đợi đạt những thành quả xuất sắc. Vì thế, nhân viên ở mọi cấp bậc đều tự giác chịu trách nhiệm cho công việc của mình và sẵn sàng đóng góp ý kiến cho sự phát triển của công ty.
4. Có góc nhìn đa chiều với mọi vấn đề
Một người nhìn thấy một quả táo và chỉ nghĩ rằng đó là một quả táo, người này là một nhân viên bình thường.
Khi một người nhìn thấy quả táo, họ nghĩ quả táo này của ai, người này là một giám đốc điều hành cấp thấp.
Khi một người nhìn thấy quả táo, họ nghĩ tại sao quả táo này lại ở đây, người này là một giám đốc điều hành cấp cao.
Khi một người nhìn thấy một quả táo, họ nghĩ liệu một quả táo như vậy có giá trị gì không, người này là một nhà lãnh đạo xuất chúng.
Nhà lãnh đạo xuất chúng là người giỏi đọc ý nghĩa bên dưới bề mặt. Họ suy xét vấn đề dưới nhiều góc độ để tìm ra nguyên nhân và bản chất của vấn đề, thay vì chỉ nhìn vào bề nổi để đánh giá và đưa ra quyết định.
5. Quản lý là phục vụ, chứ không phải kiểm soát
Lãnh đạo tầm thường muốn nhân viên của họ phải làm chính xác theo điều họ muốn. Họ luôn “căng mắt” tìm lỗi của nhân viên. Điều này gián tiếp tạo một không gian làm việc thiếu những ý kiến cá nhân, trở nên máy móc theo kiểu “bảo gì nghe nấy”. Hãy coi chừng những người bất tài nhưng độc đoán như vậy bởi công ty sẽ bị huỷ hoại dưới tay của họ. Khi không có tâm và có tầm, mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa.
Ngược lại, một người sếp xuất chúng sẽ đặt ra mục tiêu và định hướng chung, đồng thời cam kết cung cấp đầy đủ những nguồn lực mà nhân viên cần để họ có thể hoàn thành công việc. Họ trao quyền cho nhân viên để đảm bảo tính tự chủ trong công việc và chỉ can thiệp khi cần thiết.
*Nguồn: CNBC