-
- Tổng tiền thanh toán:
Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) – Khi những định kiến che lấp tư duy
Niềm tin và quan điểm của bạn xuất phát từ đâu? Nếu bạn giống như hầu hết mọi người thì bản thân bạn sẽ tin rằng những lỹ lẽ của mình rất hợp lý, logic, và vô tư, dựa trên trải nghiệm sống nhiều năm và phân tích khách quan những thông tin bạn có. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều dễ bị rơi vào một cạm bẫy mang tên thiên kiến xác nhận – những niềm tin cố hữu trong ta thường có nền tảng từ việc chú ý vào những thông tin ủng hộ những niềm tin này.
Tác giả: Vivlio Books Store Ngày đăng: 29/08/2023
Con người có xu hướng tìm kiếm thông tin và bằng chứng củng cố suy nghĩ của mình hơn là tìm hiểu những ý kiến trái ngược. Điều này được gọi là Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias). Thiên kiến này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, cũng như nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực liên quan tới việc ra quyết định như: đầu tư, nhân sự, chính trị,… Hiểu về nó sẽ giúp bạn có cái nhìn gần với sự thật hơn.
Niềm tin và quan điểm của bạn xuất phát từ đâu? Nếu bạn giống như hầu hết mọi người thì bản thân bạn sẽ tin rằng những lỹ lẽ của mình rất hợp lý, logic, và vô tư, dựa trên trải nghiệm sống nhiều năm và phân tích khách quan những thông tin bạn có. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều dễ bị rơi vào một cạm bẫy mang tên thiên kiến xác nhận – những niềm tin cố hữu trong ta thường có nền tảng từ việc chú ý vào những thông tin ủng hộ những niềm tin này và song song đó, hướng “ngó lơ” những thông tin đi ngược hay thách thức lại chúng.
Hiểu rõ thiên kiến xác nhận
Thiên kiến xác nhận là một dạng thiên lệch nhận thức khi con người ta ưu tiên những thông tin nào xác nhận những niềm tin và thành kiến cố hữu trong đầu.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một người tin rằng người thuận tay trái sáng tạo hơn người thuận tay phải. Bất cứ khi nào người này gặp người nào vừa thuận tay trái vừa có óc sáng tạo thì họ đặt chú trọng vào “chứng cứ” ủng hộ niềm tin vốn có này của họ hơn. Những người này thậm chí còn tìm thêm “bằng chứng” để củng cố niềm tin này trong khi không ngó ngàng đến những ví dụ không ủng hộ hay phản bác lại ý tưởng này.
Thiên kiến xác nhận tác động lên cách ta thu thập thông tin nhưng hiện tượng này cũng tác động lên chính cách ta phiên giải và nhớ lại thông tin đã có. Ví dụ, người nào ủng hộ một vấn đề cụ thể nào đó sẽ không chỉ tìm những thông tin ủng hộ nó mà còn phiên giải những câu chuyện mới theo hướng ủng hộ những ý tưởng sẵn có. Họ cũng sẽ nhớ một cách có chọn lọc những chi tiết nào củng cố những thái độ này.
Thiên kiến xác nhận trong thực tế.
Hãy cùng xem cuộc tranh luận về luật kiểm soát súng. Ví dụ, Sally ủng hộ luật kiểm soát súng đạn. Cô ta sẽ tìm kiếm những câu chuyện và những ý kiến mới để tái xác nhận nhu cầu phải hạn chế sở hữu súng đạn. Khi cô này nghe về những câu chuyện xả súng trên phương tiện thông tin đại chúng thì cô ta sẽ phiên giải thông tin này theo hướng ủng hộ những niềm tin sẵn có của cô.
Henry, mặt khác, lại cực kỳ chống đối việc kiểm soát sử dụng súng. Anh ta tìm kiếm những nguồn dữ liệu, tin tức khớp với góc nhìn của anh ta. Khi anh ta bắt gặp những câu chuyện tin tức về các xụ xả súng, anh này sẽ hiểu câu chuyện theo hướng hỗ trợ cho quan điểm của mình.
Hai người này có quan điểm rất khác nhau về cùng một chủ đề và cách phiên giải của họ cũng khác nhau dựa trên niềm tin họ đang nắm giữ. Thậm chí ngay cả khi đọc cùng một câu chuyện, thiên kiến này có xu hướng định hình cách người ta nhận định từng chi tiết, từ đó càng thêm xác nhận lại những niềm tin cố hữu của bản thân.
Tác động của thiên kiến xác nhận.
Trong những năm 1960, nhà tâm lý học nhận thức Peter Cathcart Wason đã thực hiện nhiều thí nghiệm được biết đến với tên gọi Nghiên cứu kiểm tra giả thiết của Watson. Ông mô tả rằng nhiều người có khuynh hướng tìm kiếm những thông tin xác nhận những niềm tin sẵn có của họ. Không may thay là dạng thiên kiến này có thể khiến chúng ta không thể nhìn nhận tình huống một cách khách quan. Nó cũng có thể tác động lên cách ta đưa ra quyết định và có thể đưa đến những lựa chọn kém hoặc sai lầm.
Ví dụ, trong suốt mùa bầu cử, con người ta có khuynh hướng tìm kiếm những thông tin tích cực tô điểm cho những ứng cử viên họ yêu thích. Họ cũng sẽ tìm những thông tin khiến ứng cử viên đối phương nhuốm màu tiêu cực.
Bằng cách tìm ra những dữ liệu khách quan, phiên giải thông tin theo hướng ủng hộ những niềm tin sẵn có và chỉ nhớ những chi tiết “cùng hướng” với những niềm tin này, họ thường bỏ lỡ thông tin quan trọng. Mà những chi tiết và dữ liệu này có thể ảnh hưởng lên quyết định về ứng cử viên nào nên ủng hộ.
Câu chuyện của Nolan Myers
Bài báo mang tựa “The New-boy Network: What do job interviews really tell us?” trích từ cuốn “What the dog saw” của Malcolm Gladwell. Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của Nolan Myers, một sinh viên mới ra trường được 3 nhà tuyển dụng lớn chào đón: tác giả, nhà tuyển dụng của Tellme (một công ty trong mơ ở Silicon Valley) và CEO của Microsofts dù mới tiếp xúc với cậu trong thời gian khá ngắn, lần lượt: tầm 90′, gần 1 tiếng, vài chục giây.
Câu chuyện không tập trung ở lý do Myers được ưa thích mà ở chỗ, liệu chỉ qua một buổi gặp gỡ, hay thậm chí là vài chục giây có đủ để một người đưa ra đánh giá về một người khác hay không???
Câu trả lời là có. Người ta không gặp khó khăn gì trong việc đánh giá người khác dủ chỉ tiếp xúc có … 2s. Bài báo đồng thời dẫn chứng một thí nghiệm chứng minh: con người có xu hướng nhìn nhận mình có cảm tình với người khác hay không chỉ trong 2s đầu tiếp xúc.
Câu hỏi tiếp theo: Đánh giá này có đúng hay không???
Câu trả lời: có thể đúng có thể sai. Đương nhiên, để biết và hiểu 1 người, 2s cũng giống như “nhìn mặt mà bắt hình dong”, trong bài báo cũng viết: việc tiếp xúc với 1 người 1 lần giống như thu mẫu một hiện tượng, xác suất chính xác khó biết đâu mà lường.
Hậu quả: Như ở trên, trong 2s đầu một người bình thường đã quyết định mình thích hay không thích 1 người, và sau đó, các đánh giá tiếp sau đều chịu ảnh hưởng của sự nhìn nhận đầu tiên này (ít nhất trong ngắn hạn).
Bài viết này đề cập tới một vấn đề tôi từng nghe sơ qua trong cuốn “You are not so smart”, một cuốn tâm lý học, đề cập tới những lầm tưởng con người tưởng mình biết mà hóa ra lại không.
Lầm tưởng bên trên đề cập đến gọi là “Confirmation Bias“, và không chỉ giới hạn trong đánh giá con người:
Bạn cho rằng: Nhận định của mình là đúng đắn, có được sau thời gian dài đúc rút kinh nghiệm một cách hợp lý, khách quan.
Sự thực là: Nhận định của bạn thực ra rút ra sau một thời gian dài chú ý vào các thông tin khẳng định niềm tin của bạn, trong khi lại lờ đi những gì trái ngược với nó.
Cuốn sách đề cập tới một ví dụ tương đối thú vị, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008. Nhà nghiên cứu Valdis Krebs ở orgnet.com phân tích xu hướng mua sách trên Amazone và phát hiện ra những người ủng hộ Obama cũng đồng thời là những người mua các cuốn sách nói tốt cho ông.
Người ta không mua sách để có thêm thông tin, mà để khẳng định niềm tin của họ. Bạn muốn cách nhìn nhận thế giới của bạn là đúng, nên bạn tìm kiếm các thông tin khẳng định niềm tin của mình, và lờ đi các bằng chứng và ý kiến trái ngược.
Một ví dụ tương tự được tiến hành ở Đại học Minnesota vào năm 1979 do Mark Snyder và Nancy Canter tiến hành. Trong đó, người ta đọc thông tin về cuộc sống hàng ngày trong 1 tuần của một cô Jane tưởng tượng nào đó. Trong tuần, cô Jane làm cả những việc cho thấy cô là một người hướng nội, cũng như những việc cho thấy cô là người hướng ngoại.
Các ứng viên được chia thành các nhóm: nhóm 1 được hỏi liệu cô có hợp làm thủ thư không, nhóm 2 được hỏi liệu cô có hợp làm người môi giới nhà đất không. Trong nhóm thủ thư, người ta nhớ cô là 1 người hướng nội, trong khi nhóm môi giới lại nhớ cô là người hướng ngoại. Sau đó, người ta lại hỏi liệu cô có hợp với nghề khác nghề gợi ý ban đầu không, kết quả là những người được hỏi giữ nguyên đánh giá ban đầu của mình.
Qua hàng năm, không bao giờ tìm tới các thông tin trái ngược, trong khi lại sưu tầm ngày càng nhiều thông tin cùng chiều với niềm tin, người ta càng trở nên tự tin vào cách nhìn nhận của mình, cho tới khi trở thành định kiến không thể thay đổi.
Tôi cũng xin góp vui một ví dụ tôi chứng kiến. Một người bạn tôi quen, có lẽ trải qua một số chuyện nên rất tin vào tâm linh. Có một thời gian ầm ỹ vụ chương trình “Như chưa bao giờ có cuộc chia ly” đưa thông tin Phan Thị Bích Hằng tìm mộ liệt sĩ lại ra mảnh sành và răng heo. Sau đó có rất nhiều thông tin trái chiều, có thông tin nêu một loạt những vụ tìm nhầm mộ, có thông tin lại bảo MC chương trình làm vậy để hạ thấp uy tín PTBH nhằm đưa khách về công ty tìm mộ mà cô này có cổ phần.
Tôi không biết thực hư câu chuyện ra sao. Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là phản ứng của người anh trước các thông tin. Trước tin đầu tiên, giọng điệu anh khá bình tĩnh, nêu các luận điểm bảo vệ, chỉ ra các điểm vô lý trong tin “Như chưa bao giờ có cuộc chia ly” đưa ra. Tuy nhiên khi tin thứ 2 đưa lên thì lại tin tưởng ngay, mặc dù đó chỉ là 1 bài viết chưa hề được xác thực.
Thiên kiến này đôi khi cũng không phải toàn gây hại. Tôi biết rất nhiều người quen của mẹ tôi, vốn là giảng viên Hóa trong 1 trường đại học có con cái giỏi các môn tự nhiên. Một phần của sự thành công trong học tập đó theo tôi là thiên kiến họ có năng khiếu (nhờ đó mà họ tự tin hơn, yêu thích và say mê hơn, được đầu tư nhiều hơn, cố gắng hơn…).
Tác động của thiên kiến này xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Như ví dụ ở trên trong tuyển dụng, chính trị. Trong đầu tư, một người được nghe trước những điều tốt đẹp, có ấn tượng ban đầu tốt đẹp về một công ty sẽ dễ rơi vào thiên kiến tìm thêm những thông tin củng cố điều này.
Quan sát ghi nhận được từ các nhà tâm lý học.
Trong cuốn “Nghiên cứu trong tâm lý học: Phương pháp và Thiết kế,” C. James Goodwin đưa ra một ví dụ hay về thiên kiến xác nhận khi áp dụng nó vào năng lực ngoại cảm:
“Những người tin vào năng lực ngoại cảm (ESP) sẽ theo dõi sát sao những ví dụ khi họ ‘đang nghĩ về Mẹ, và rồi điện thoại reo, đúng mẹ gọi thật!” Tuy nhiên họ bỏ qua vô số những lần khác khi (a) họ đang nghĩ về Mẹ và bà ấy không gọi và (b) họ không nghĩ về Mẹ và đúng lúc ấy mẹ gọi. Họ cũng không thể nhận ra rằng nếu họ nói chuyện với mẹ mỗi 2 tuần một lần thì tần suất “nghĩ về Mẹ” sẽ tăng lên càng gần về cuối chu kỳ 2 tuần, từ đó làm tăng tần suất “chuông reo.”
Như Catherine A. Sanderson có đề cập trong cuốn “Tâm lý học xã hội” của mình, thiên kiến xác nhận cũng giúp hình thành và tái xác nhận những khuôn mẫu mà ta có về người khác.
“Chúng ra ngó lơ những thông tin “phản pháo” lại những mong đợi của chúng ta. Ta sẽ nhớ (và lặp lại) những thông tin mang tính rập khuôn và quên đi hoặc ngó lơ những thông tin “không đúng khuôn”, đây là cách mà những khuôn mẫu được duy trì thậm chí ngay cả khi bằng chứng ngược lại rành rành ngay trước mắt. Nếu bạn biết được người bạn mới người Canada ghét khúc côn cầu và yêu du thuyền, còn người bạn mới người Mexico ghét đồ ăn cay và yêu nhạc rap thì khả năng cao là bạn sẽ ít nhớ đến những thông tin “không đúng khuôn” này hơn.”
Thiên kiến xác nhận không chỉ được tìm thấy trong những niềm tin cá nhân mà nó còn ảnh hưởng lên sự nghiệp chuyên môn của chúng ta nữa. Trong cuốn “Tâm lý học”, Peter O. Gray đã đưa ra ví dụ về việc thiên kiến xác nhận có thể ảnh hưởng lên chẩn đoán của một bác sĩ:
“Groopman (2007) chỉ ra rằng thiên kiến xác nhận có thể song hành với thiên kiến về sự sẵn có trong những chẩn đoán nhầm suốt quá trình hành nghề của bác sĩ. Một bác sĩ “nhảy ngay” vào đặt giả thiết về căn bệnh mà bệnh nhân mắc, từ đó người này sẽ vin vào đó để đặt câu hỏi và ra sức kiếm tìm bằng chứng xác nhận cho chẩn đoán này đồng thời bỏ qua những bằng chứng đi ngược lại luồng suy luận này. Groopman cho rằng chương trình đào tạo y khoa nên có một khóa học về suy luận quy nạp để giúp những bác sĩ mới vào nghề nhận thức được những thiên kiến này. Ông cho rằng, nhận thức đúng đắn có thể đưa đến ít ca chẩn đoán sai hơn. Một bác sĩ chẩn đoán giỏi sẽ kiểm tra lại chính những giả thiết ban đầu của mình bằng cách tìm kiếm bằng chứng chống lại giả thiết đó.”
Kết luận.
Không may thay, tất cả chúng ta đều có thiên kiến xác nhận. Thậm chí ngay cả khi bạn tinh chắc mình là người có đầu óc cực kỳ cởi mở và chỉ quan sát những sự thật trước khi đưa ra kết luận thì khả năng cao là cuối cùng vẫn sẽ có một thiên kiến nào đó định hình ý kiến của bạn. Thậm chí có là như vậy đi chăng nữa nhưng nếu ta biết về thiên kiến xác nhận và chấp nhận sự tồn tại của nó thì ta có thể nỗ lực để nhận ra nó bằng cách luôn tò mò về những góc nhìn trái ngược và thực sự lắng nghe những gì người khác nói và tại sao họ lại nói vậy. Điều này có thể giúp chúng ta nhìn nhận những vấn đề và những niềm tin tốt hơn từ góc nhìn khác, mặc dù ta vẫn sẽ cần rất nhiều tỉnh táo để vượt qua thiên kiến xác nhận của chính mình.